bản tin pháp luật tháng 1/2021

Thứ ba - 05/01/2021 03:08 797 0
BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 01/2021
  1. Từ 2021, nới lỏng điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp
Nội dung mới này được Quốc hội thông qua tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp số 56/2020/QH14 ngày 10/6/2020.
Cụ thể, bổ sung thêm 04 trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp đó là:
Thứ nhất, có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật.
Thứ hai, chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp.
Thứ ba, theo đề nghị của giám định viên tư pháp. Trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
Thứ tư, giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm không thành lập Văn phòng hoặc sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập Văn phòng mà không đăng ký hoạt động.
Đáng chú ý, quy định mới đã nới lỏng điều kiện mở Văn phòng giám định tư pháp. Theo đó, giám định viên tư pháp chỉ cần có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp và có hoạt động giám định trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng thay vì phải hoạt động từ đủ 05 năm trở lên trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng như quy định cũ.
Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  1. Tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất 01 lần/năm
Đây là nội dung mới quy định tại Luật Thanh niên số 57/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2020.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên. Người có trách nhiệm đối thoại với thanh niên chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch, chương trình đối thoại và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm nhất 30 ngày trước ngày tổ chức đối thoại.
Bên cạnh đó, Quốc hội quyết định lấy tháng 3 hằng năm là tháng Thanh niên với mục tiêu phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên.
Ngoài ra, Luật bổ sung chính sách về khởi nghiệp gồm các nội dung như sau: Giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên; Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ; Cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật…
Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  1. Miễn Giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ dưới 07 tầng ở nông thôn
Ngày 17/6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng của Quốc hội số 62/2020/QH14.
Cụ thể, công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không yêu cầu Giấy phép xây dựng.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng quy định miễn Giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về giấy phép xây dựng theo quy định của Luật.
Ngoài ra, Luật cũng quy định máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công xây dựng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; rà soát biện pháp bảo đảm an toàn định kỳ, đột xuất để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thi công trên công trường.
Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  1. Từ 2021, dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị nghiêm cấm
Đây là nội dung đáng chú ý mới được Quốc hội ban hành tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020.
Theo đó, từ ngày Luật này có hiệu lực, thêm 02 nhóm ngành, nghề sau đây cấm các hoạt động đầu tư, kinh doanh, đó là: Kinh doanh pháo nổ và kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
Bên cạnh đó, Luật mới quy định cụ thể nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ 04 trường hợp sau đây:
Thứ nhất, nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Thứ hai, nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Thứ ba, nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thứ tư, nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.
Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  1. Thêm 01 nhóm đối tượng không được thành lập DN tại Việt Nam
Đây là nội dung mới được Quốc hội thông qua tại Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020.
Cụ thể, bổ sung thêm 01 nhóm đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, đó là: Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, những người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng thuộc nhóm đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Quốc hội không quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp và giao Chính phủ quy định việc đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh.
Đồng thời, Luật này cũng bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng như quy định cũ. Thay vào đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (quy định cũ là 10%) tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:
Một là, xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty.
Hai là, yêu cầu triệu tập cuộc họp Đại hội cổ đông...
Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  1. Từ 2021, tối thiểu 40% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
Ngày 19/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 65/2020/QH14.
Theo đó, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội, tăng thêm 5% so với quy định cũ là 35%. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách có quyền đăng ký tham dự Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm.
Ngoài ra, số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn. Ủy ban thường vụ Quốc hội căn cứ vào yêu cầu và tình hình thực tiễn quyết định triệu tập hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước mỗi kỳ họp Quốc hội để thảo luận, cho ý kiến về các dự án, đề án, báo cáo trước khi trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, bổ sung lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội vào kinh phí hoạt động của Quốc hội.
Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  1. Từ 2021, 05 lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP
Ngày 18/06/2020, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Theo đó, 05 lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: Giao thông vận tải; Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải; Y tế, giáo dục-đào tạo; Hạ tầng công nghệ thông tin.
Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực như sau: Không thấp hơn 200 tỷ đồng đối với các dự án thuộc lĩnh vực: Giao thông vận tải; lưới điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải và hạ tầng công nghệ thông tin; Không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với các dự án thuộc lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo;…
Bên cạnh đó, các thông tin phải được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm: Thông tin về quyết định chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt dự án PPP; Thông tin về lựa chọn nhà đầu tư; Nội dung chính của hợp đồng dự án PPP; Cơ sở dữ liệu về nhà đầu tư;…
Ngoài ra, Luật cũng quy định sau khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư chỉ được thành lập doanh nghiệp dự án PPP theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần (không được là công ty đại chúng) và có mục đích duy nhất để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án PPP.
Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  1. 06 vấn đề cần tập trung khi thẩm định dự thảo Nghị định
Ngày 18/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, số 63/2020/QH14.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những vấn đề được Luật giao hoặc hướng dẫn một số vấn đề cần thiết trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thay vì chỉ có thẩm quyền ban hành Nghị quyết liên tịch để quy định chi tiết những vấn đề được Luật giao.
Bên cạnh đó, Luật quy định tờ trình dự án, dự thảo phải nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết, mục đích, quan điểm xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết; quá trình xây dựng dự án, dự thảo; Bố cục, nội dung cơ bản của dự thảo văn bản; Tính thống nhất của dự thảo văn bản với các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực; Tính tương thích của dự thảo văn bản với điều ước quốc tế có liên quan.
Ngoài ra, nội dung thẩm định dự thảo Nghị định cần tập trung vào các vấn đề sau: Sự cần thiết ban hành Nghị định; Sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; Sự phù hợp của nội dung dự thảo Nghị định với văn bản được quy định chi tiết đối với Nghị định quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật này; Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo Nghị định; Điều kiện bảo đảm về nguồn lực; Ngôn ngữ, kỹ thuật, trình tự soạn thảo;...
Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
  1. Kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế SD đất nông nghiệp đến hết 2025
Ngày 18/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo đó, kéo dài thời hạn thực hiện hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2025 trên cơ sở hạng đất đã được quy định và thực hiện trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2020.
Trường hợp địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh hạng đất tính thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định thì thực hiện theo quy định đó đến hết ngày 31/12/2025.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  1. Lộ trình tăng số lượng người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám, chữa bệnh
Ngày 02/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 131/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu tăng số lượng người làm công tác dược lâm sàng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình sau:
Trước hết, chậm nhất đến 01/01/2026, các bệnh viện từ hạng II trở lên phải bảo đảm số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỷ lệ ít nhất 01 người cho mỗi 150 giường bệnh nội trú và ít nhất 1,5 người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày.
Tiếp theo, chậm nhất đến 01/01/2031, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm số lượng người làm công tác dược lâm sàng với tỷ lệ ít nhất 01 người cho mỗi 100 giường bệnh nội trú và ít nhất 02 người cho mỗi 1.000 đơn thuốc được cấp phát cho người bệnh ngoại trú có thẻ bảo hiểm y tế trong một ngày.
Bên cạnh đó, thời gian thực hành chuyên môn đối với người phụ trách công tác dược lâm sàng là ít nhất 02 năm. Đối với người có bằng tiến sỹ hoặc chuyên khoa II về lĩnh vực liên quan đến nội dung chuyên môn thực hành, thời gian thực hành chuyên môn yêu cầu ít nhất là 06 tháng. Đối với người có bằng thạc sỹ hoặc chuyên khoa I về lĩnh vực liên quan đến nội dung chuyên môn thực hành, thời gian thực hành chuyên môn yêu cầu ít nhất là 12 tháng.
Nghị định này có hiệu lực từ 01/01/2021.
  1. Từ 2021, thay đổi quy định về đơn vị có lợi ích công chúng
Ngày 15/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 134/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 84/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về tiêu chuẩn, điều kiện đối với kiểm toán viên hành nghề, tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng.
Theo đó, đơn vị có lợi ích công chúng là các đơn vị được quy định tại Điều 53 Luật Kiểm toán độc lập, bao gồm đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán và đơn vị có lợi ích công chúng khác.
Bên cạnh đó, đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán theo quy định cũ phải là công ty đại chúng quy mô lớn theo quy định của pháp luật về chứng khoán... Tuy nhiên, theo quy định mới, đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán bao gồm công ty đại chúng, tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán.
Nghị định này có hiệu lực từ 01/01/2021.
  1. Điều kiện mới PCCC với hộ gia đình sản xuất - kinh doanh từ ngày 10/01/2021
Ngày 24/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Theo quy định, hộ gia đình phải đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy cháy chữa cháy. Đặc biệt hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất kinh doanh phải đảm bảo điều kiện trên cộng với phải có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC theo quy định của Bộ Công an; đồng thời phải có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản sản, kinh doanh.
Điều kiện này phải được hộ gia đình thực hiện, duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận ĐKDN phải đảm bảo điều kiện an toàn về PCCP tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định.
Nghị định cũng quy định điều kiện mới về PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, yêu cầu phương tiện cơ giới đường bộ trên 9 chỗ ngồi mới phải có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp thay vì phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên như quy định cũ.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2021.
  1.  Từ 11/01/2021, được phép bắn pháo hoa trong đám cưới, sinh nhật
Đây là nội dung mới được Chính phủ ban hành tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo ngày 27/11/2020.
Theo quy định mới, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng bổ sung nhiều hành vi mới bị nghiêm cấm khi quản lý, sử dụng pháo như:
Thứ nhất, nghiêm cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
Thứ hai, nghiêm cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, nghiêm cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.
Thứ tư, nghiêm cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 11/01/2021.
  1. Từ 15/01/2021, nhiều thay đổi trong triệu tập đối tượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN
Ngày 27/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 139/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 13/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Theo quy định mới, Học viện Chính trị thuộc Bộ Quốc phòng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 thuộc cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội của trung ương trên địa bàn Thành phố Hà Nội; trường quân sự quân khu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 trên địa bàn quân khu; Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 2 của Thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và tương đương đối tượng 3 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và tương đương đối tượng 3 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Hiệu trưởng Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Trường quân sự Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh quyết định cấp, cấp lại, thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và tương đương đối tượng 3.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/01/2021.
  1.  Bảo đảm bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp
Ngày 08/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2020/NĐ-CP về việc quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.
Cụ thể, nguyên tắc cử tuyển như sau: Đúng đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định; Khách quan, công bằng, công khai, minh bạch; Bảo đảm người đi học theo chế độ cử tuyển được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Người học theo chế độ cử tuyển được thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển; được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác; được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn chung tuyển sinh theo chế độ cử tuyển gồm: thường trú 05 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi, người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này; đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển; không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định.
Ngoài ra, hằng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí việc làm tối đa là 12 tháng, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ để xét tuyển.
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 23/01/2021.
  1. Mỗi tài khoản truy cập hệ thống phải được gán cho 01 người sử dụng duy nhất
Ngày 21/10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 09/2020/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Theo đó, tổ chức quy định về quản lý truy cập đối với người sử dụng, nhóm người sử dụng, các thiết bị, công cụ sử dụng để truy cập hệ thống thông tin bảo đảm đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và yêu cầu an toàn thông tin, bao gồm các nội dung cơ bản sau: Mỗi tài khoản truy cập hệ thống phải được gán cho một người sử dụng duy nhất, trường hợp chia sẻ tài khoản dùng chung để truy cập hệ thống thông tin thì phải được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền và xác định được trách nhiệm cá nhân tại mỗi thời điểm sử dụng.
Đáng chú ý, đối với tài khoản để các ứng dụng, dịch vụ kết nối tự động, phải được giao cho một cá nhân quản lý và được giới hạn quyền truy cập theo mục đích sử dụng; cá nhân được giao quản lý không được phép sử dụng tài khoản này cho các mục đích khác…
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định, bên thứ ba cung cấp dịch vụ điện toán đám mây phải là doanh nghiệp. Đồng thời, bên thứ ba phải cam kết không sao chép, thay đổi, sử dụng hay cung cấp dữ liệu của tổ chức sử dụng dịch vụ cho cá nhân, tổ chức khác. Bên thứ ba phải thông báo cho tổ chức khi phát hiện nhân sự vi phạm quy định về an toàn thông tin đối với dịch vụ mà tổ chức sử dụng.
Thông tư này có hiệu lực từ 01/01/2021.
  1.  VĐV thuộc đội tuyển thể thao Olympic hưởng chế độ ăn 480 nghìn đồng/người/ngày
Ngày 26/10/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 86/2020/TT-BTC về việc quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao.
Cụ thể, trong thời gian tập huấn trong nước, huấn luyện viên, vận động viên có mặt thực tế tập trung tập huấn được hưởng mức ăn hàng ngày từ 200.000-320.000 đồng/người/ngày. Trong thời gian tập trung thi đấu tại giải thể thao thành tích cao, chế độ dinh dưỡng như sau: Đội tuyển trẻ quốc gia, Đội tuyển cấp tỉnh, ngành hưởng 320.000 đồng/người/ngày; Đội tuyển trẻ cấp tỉnh, ngành: 240.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á, Đại hội thể thao chấu Á và Đại hội thể thao Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 480.000/người/ngày trong thời gian tối đa 90 ngày. Đối với các vận động viên có khả năng giành huy chương vàng, có khả năng đạt chuẩn tham dự Đại hội thể thao Olympic và huấn luyện viên, vận động viên tham dự Paralympic Games hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
  1.  Từ 2021, bệnh viện có quy mô trên 100 giường bệnh phải thành lập khoa Dinh dưỡng
Ngày 12/11/2020, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 18/2020/TT-BYT quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện.
Theo đó, bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa Dinh dưỡng. Mỗi 100 giường bệnh phải có tối thiểu 01 người làm chuyên môn về dinh dưỡng. Đối với bệnh viện có quy mô dưới 100 giường bệnh, nếu không thành lập được khoa Dinh dưỡng thì phải có bộ phận Dinh dưỡng hoặc có người phụ trách dinh dưỡng làm việc toàn thời gian.
Đáng chú ý, Trưởng khoa Dinh dưỡng phải là người làm việc cơ hữu toàn thời gian về dinh dưỡng, bao gồm: Bác sỹ y khoa hoặc bác sỹ đa khoa và có chứng chỉ đào tạo 6 tháng trở lên về dinh dưỡng lâm sàng; Dinh dưỡng viên có trình độ từ đại học trở lên nếu bệnh viện chưa có bác sỹ đáp ứng yêu cầu trên. Trưởng khoa Dinh dưỡng được bổ nhiệm trước ngày 01/01/2021 được tiếp tục giữ vị trí đã được bổ nhiệm và phải được đào tạo để đáp ứng tiêu chuẩn trên trước ngày 01/01/2025.
Bên cạnh đó, Khoa Dinh dưỡng phải có các bộ phận sau đây: Bộ phận tư vấn dinh dưỡng; Bộ phận dinh dưỡng điều trị; Bộ phận chế biến và cung cấp chế độ dinh dưỡng. Nếu chưa có bộ phận chế biến và cung cấp chế độ dinh dưỡng, bệnh viện phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân ngoài bệnh viện để chế biến suất ăn ngay tại bệnh viện và tổ chức, cá nhân này phải chịu sự giám sát về chuyên môn và an toàn thực phẩm của khoa Dinh dưỡng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  1.  Quy trình bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án
Ngày 16/11/2020, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 04/2020/TT-TANDTC về việc quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ hòa giải viên.
Cụ thể, quy trình bổ nhiệm Hòa giải viên gồm các bước sau: Thông báo nhu cầu tuyển chọn Hòa giải viên; Tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên; Tư vấn lựa chọn Hòa giải viên; Ra quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên; Thông báo công khai danh sách Hòa giải viên. Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên có tối thiểu 03 người gồm Đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp tỉnh là Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên.
Bên cạnh đó, chậm nhất 02 tháng trước ngày hết nhiệm kỳ, Hòa giải viên có nguyện vọng tiếp tục làm Hòa giải viên, nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại tại Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc.
Ngoài ra, thẻ Hòa giải viên bị thu hồi nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Hòa giải viên được bổ nhiệm lại, phải nộp lại thẻ cũ để cấp thẻ mới; Hòa giải viên đã được miễn nhiệm, thôi làm Hòa giải viên; Hòa giải viên bị buộc thôi làm Hòa giải viên.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
  1.  Giảm 50% lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y từ 11/01/2021
Ngày 23/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 101/2020/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y
Cụ thể, giảm lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất (gồm kho ngoại quan), chuyển cửa khẩu từ 70.000 đồng xuống còn 40.000 đồng/lần. Bên cạnh đó, giảm lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y từ 100.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/lần.
Còn lại các mức thu phí khác như: Kiểm tra lâm sàng trâu, bò, ngựa, lừa, la, dê, cừu, đà điểu vẫn giữ nguyên 50.000 đồng/Lô hàng/ Xe ô tô; Kiểm tra lâm sàng động vật thủy sản vẫn giữ nguyên 100.000 đồng/Lô hàng/ Xe ô tô; Kiểm dịch sản phẩm động vật đông lạnh vẫn giữ nguyên 200.000 đồng/Container/Lô hàng; Thẩm định vùng an toàn dịch bệnh động vật (bao gồm cả thủy sản) là 3,5 triệu đồng/lần; …
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/01/2021.
  1.  Thêm trường hợp công khai thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế
Ngày 03/12/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế.
Theo đó, bên cạnh việc công khai thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế khi người nộp thuế ngừng hoạt động, đã hoặc chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế; Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;…. thì Bộ Tài chính mới bổ sung thêm trường hợp công khai đó là khi: Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; Người nộp thuế có vi phạm pháp luật về đăng ký thuế.
Đồng thời, người nộp thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế phải hoàn thành những nghĩa vụ sau:
Trước hết, người nộp thuế nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn.
Tiếp theo, người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa, số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ (nếu có) theo quy định của Luật Quản lý thuế với cơ quan quản lý thuế.
Ngoài ra, trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị trực thuộc thì toàn bộ các đơn vị trực thuộc phải hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/01/2021.
22.  Tiêu chí đặc thù để cấp văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Ngày 21/12/2020, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 21/2020/QĐ-UBND Ban hành Quy định tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển tại tỉnh Quảng Nam, có hiệu lực 01/01/2021..
Theo đó, tiêu chí đặc thù để cấp văn bản chấp thuận đống mới tàu cá như sau: Chủ tàu chỉ được cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá còn trong chỉ tiêu số lượng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trên biển đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Quảng Nam công bố và đáp ứng các tiêu chí với từng nội dung như sau: 1. Đối với đóng mới tàu cá a) Chủ tàu đăng ký đóng mới tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên và lắp máy chính tổng công suất từ 400CVtrở lên, các máy chính lai chân vịtphải thuộc loại máy thủy;b) Nghề đăng ký hoạt động phải còn trong chỉ tiêu số lượng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trên biển đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,UBNDtỉnh Quảng Namcông bố.
23. Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Ngày 21/12/2020, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 21/2020/QĐ-UBND Ban hành  Quyết định 22/2020/QĐ-UBND  Quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, có hiệu lực 01/01/2021.
Theo đó, Hệ số điều chỉnh giá đất (gọi tắt là k) được xác định bằng tỷ lệ giữa giá đất phổ biến trên thị trường tại thời điểm xác định với giá đất trong Bảng giá đất do UBND tỉnh công bố.
Hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng đối với nhóm đất nông nghiệp(K) =1,0. Riêng đối với giá đất trồng lúa nước và cây hằng năm vị trí 1của xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc (K) =1,2

 

Nguồn tin: Phòng Tư pháp TP. Tam Kỳ:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thăm dò ý kiến

Ý kiến của bạn về thái độ tiếp dân của Cán bộ, Công chức phường Tân Thạnh

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay2,206
  • Tháng hiện tại18,678
  • Tổng lượt truy cập4,835,653
duong day nong 1
chạybanner

 
Văn bản mới

HD

HƯỚNG DẪN GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG THOÁT NẠN PCCC - CNCH

lượt xem: 99 | lượt tải:49

HƯỚNG DẪN NHÀ PHÒNG CHỐNG LỤT BẢO

HƯỚNG DẪN NHÀ PHÒNG CHỐNG LỤT BẢO

lượt xem: 105 | lượt tải:43

Số 78/NQ-HĐND

NQ BỔ SUNG NHIỆM VỤ THỰC HIỆN KTXH, QPAN 6 THÁNG CUỐI NĂM 2024

lượt xem: 164 | lượt tải:62

Số 79/NQ-HĐND

NQ PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2023

lượt xem: 104 | lượt tải:49

Số 80/NQ-HĐND

NQ BỔ SUNG DANH MỤC ĐẦU TƯ CÔNG VÀO KH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN 2021 - 2025

lượt xem: 212 | lượt tải:66
xulyhs2023
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây