Nhân dân hiến kế
Trong giai đoạn từ năm 2012 trở về trước, hằng năm ở Tam Kỳ xảy ra hơn 150 vụ phạm pháp hình sự, 40 vụ tai nạn giao thông và phát sinh mới hàng chục đối tượng nghiện ma túy. Đáng chú ý là các loại tội phạm cướp giật, trộm cắp tài sản; buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Tội phạm liên quan trực tiếp đến sự suy thoái đạo đức gia đình, xã hội chiếm tỷ lệ cao. Tình trạng thanh thiếu niên phạm tội, sử dụng xe phân khối lớn chạy lạng lách, đánh võng trên đường gây tâm lý bất an trong nhân dân. Trong khi đó, ý thức cảnh giác cũng như trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội chưa cao; và gần như “khoán trắng” công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho ngành công an.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự (ANTT), với sự tham mưu của ngành công an, UBND TP.Tam Kỳ tổ chức “Diễn đàn chung tay phòng chống tội phạm, kiềm chế tai nạn giao thông và bài trừ tệ nạn xã hội”. Diễn đàn này nhằm huy động trí tuệ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong việc tìm ra kế sách hữu hiệu nhất cũng như biện pháp khả thi nhất để đẩy lùi tội phạm, mang lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Chủ trì diễn đàn là người đứng đầu Thành ủy, UBND và Công an thành phố. Đại biểu tham dự diễn đàn là lãnh đạo các cấp, ban ngành, đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và đặc biệt là hơn 100 người dân đại diện cho các tổ, khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Mỗi người dân là một chiến sĩ
“Mặc dù lúc này lúc khác, nơi này nơi khác trên địa bàn thành phố còn xảy ra tội phạm, nhưng có thể nói rằng “Diễn đàn chung tay phòng chống tội phạm, kiềm chế tai nạn giao thông và bài trừ tệ nạn xã hội” đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra một sức hút mới đối với người dân trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Qua diễn đàn, người dân đã tin tưởng vào sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và lực lượng công an thành phố trong công tác phòng chống tội phạm. Từ đó người dân không còn tâm lý sợ va chạm, không sống theo kiểu “đèn nhà ai nấy rạng” và mỗi người đã thật sự trở thành một chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
(Đại tá Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng Công an TP.Tam Kỳ) |
Trong không khí cởi mở, dân chủ, các đại biểu đã tập trung trí lực, cùng nhau thảo luận và đã đề xuất nhiều giải pháp để kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và đảm bảo tình hình ANTT như: nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phát huy các mô hình phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội đang được triển khai ở cơ sở, tăng cường lực lượng công an về các xã; hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng khi làm nhiệm vụ tuần tra; bảo vệ bí mật cho người cung cấp thông tin về tội phạm; thiết lập đường dây nóng để người dân tiện liên hệ khi phát hiện đối tượng nghi vấn… Lãnh đạo TP.Tam Kỳ đã tiếp thu những ý kiến đóng góp tại diễn đàn và nghiên cứu triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ đạo cho các địa phương nhân rộng mô hình tổ chức diễn đàn đến từng thôn, khối phố để nhân dân góp ý, hiến kế tạo thành phong trào rộng khắp.
Đi vào cuộc sống
Từ khi tổ chức diễn đàn đến nay, tình hình ANTT trên địa bàn TP.Tam Kỳ dần đi vào ổn định. Bình quân mỗi năm giảm 20 - 30% số vụ và 35 - 40% số đối tượng vi phạm pháp luật. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về ANTT” hoạt động có hiệu quả như “Khu nhà trọ tự quản về ANTT”, “Tiếng loa bảo vệ dân phố”, “Tiếng mõ an ninh”, “Đội xe ôm tự quản”. Đại tá Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng Công an TP.Tam Kỳ cho biết, điều đáng mừng là người dân đã ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật, mạnh dạn đứng ra tố giác các hành vi vi phạm pháp luật và tích cực, chủ động tham gia truy bắt tội phạm.
Như trường hợp ông Lương Quốc Vương (trú tại khối phố Thuận Trà, phường Hòa Thuận). Vào lúc 3 giờ sáng 4.7.2013, giật mình tỉnh giấc bởi tiếng chó sủa, ông Vương ra trước nhà kiểm tra thì phát hiện có một đối tượng lạ mặt đang ẩn nấp dưới cây trứng cá. Thấy dấu hiệu khả nghi, ông theo dõi và phát hiện có 2 đối tượng đang chuyển 2 xe đạp từ nhà ông Dũng và ông Vấn (hàng xóm) ra khỏi tường rào cho đối tượng ở ngoài đón lấy rồi tẩu thoát. Ông Vương dùng xe máy đuổi theo, đồng thời điện thoại báo Công an phường Hòa Thuận cùng phối hợp bắt giữ đối tượng trên khi chúng đang trên đường tẩu tán tang vật. “Trước đây, tâm lý của tôi cũng như nhiều người đều sợ bị gây thương tích hoặc bị trả thù nếu tham gia bắt tội phạm. Từ khi thành phố tổ chức diễn đàn, tôi nhận thấy trách nhiệm cùng chung tay bảo vệ hàng xóm láng giềng, đó cũng chính là bảo vệ mình và tôi sẵn sàng tham gia phòng chống tội phạm” - ông Vương chia sẻ.
Trong công tác phát hiện và truy bắt tội phạm, yếu tố thời gian và con người tại chỗ đóng vai trò quan trọng. Và “Tiếng mõ an ninh” là một trong những mô hình hay, phát huy được vai trò chủ động truy bắt tội phạm của người dân. Vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 23.7.2013, kẻ trộm đột nhập vào nhà anh Bùi Văn An (tổ đoàn kết số 4, khối phố Trường Đồng, phường Tân Thạnh) lấy trộm máy bơm nước. Khi nghe tiếng động bên ngoài, anh An chạy ra kiểm tra. Bị phát hiện, kẻ trộm nhảy lên xe của đồng bọn đang chờ sẵn bỏ trốn. Anh An lập tức dùng mõ tre của nhà mình gõ lên đồng thời hô báo trộm. Ngay lập tức các gia đình xung quanh đồng loạt gõ mõ và bà con đổ ra chốt chặn các ngả đường bắt ngay đối tượng giao cho cơ quan công an xử lý. Hay như vào đầu năm 2014, trong lúc nghỉ trưa, ông Nguyễn Tấn Lực (khối phố Ngọc Nam, phường An Phú) nghe tiếng động lạ bên nhà hàng xóm. Với tinh thần cảnh giác, ông Lực liền sang kiểm tra thì phát hiện có một đối tượng đang lục lọi đồ đạc. Ông Lực vừa bí mật theo dõi, vừa điện báo bà con trong xóm bao vây. Khi thấy thời cơ thuận lợi, ông trực tiếp xông vào bắt gọn đối tượng giao công an phường xử lý.